Thực tế chuyến đi

CHUYẾN ĐI THỰC TẾ TẠI CỤC PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI - BỘ CÔNG THƯƠNG

26/04/2021
Tiếp nối thành công của buổi tọa đàm ngày 13 tháng 4 vừa qua về “Thực trạng phòng vệ thương mại trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới” tại trường Đại học Thương Mại, ngày 23 tháng 4, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) - Bộ Công Thương, tổ chức cho sinh viên của Khoa tham quan nơi làm việc thực tế tại Cục PVTM và tham gia hội thảo “Công tác PVTM của Việt Nam” tại Bộ Công Thương.
Thông qua chuyến đi, sinh viên không chỉ được tham quan, tìm hiểu rõ chức năng và nhiệm vụ của các bộ phận, các Phòng, Ban, mà còn được tiếp cận công tác PVTM của Việt Nam trong thời gian qua cũng như những chính sách của Việt Nam về PVTM trong thời gian tới. 
 
Cục 3
Các thầy cô Khoa Kinh tế & KDQT – trường ĐH Thương Mại và cán bộ Cục PVTM – Bộ Công thương chụp ảnh cùng SV Khoa khi đi thực tế tại Cục

Phát biểu Khai mạc Hội thảo, Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục PVTM đã giới thiệu chung về công tác PVTM, xu hướng các biện pháp PVTM trong thời gian tới trên thế giới và tại Việt Nam. Bà Châu Giang cũng hi vọng sau buổi tham quan và tham dự hội thảo, các bạn sinh viên sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, tình trạng PVTM của thế giới và Việt Nam trong giai đoạn COVID-19, cũng như tìm hiểu rõ hơn chính sách của Nhà nước ta trong công tác PVTM hiện nay và trong thời gian tới. Bà Châu Giang cũng chia sẻ rằng Cục sẽ tạo điều kiện để sinh viên của Khoa được thực tập tại Cục và trong quá trình thực tập các bạn SV sẽ có cơ hội trực tiếp tham gia, phối hợp cùng các chuyên viên của Cục trong các vụ việc thực tế.
 
Cục 5
Bà Phạm Châu Giang – Phó Cục trưởng Cục PVTM phát biểu khai mạc hội thảo

Đại diện thầy cô và sinh viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế - trường Đại học Thương Mại, TS. Nguyễn Duy Đạt bày tỏ lòng cảm ơn với sự đón tiếp nhiệt tình của Cục PVTM. Theo thầy, những buổi thực tế tại các Bộ, Cục dành cho sinh viên là những kinh nghiệm quý báu giúp cho sinh viên có thêm những hiểu biết về cách thức làm việc của các cơ quan Nhà nước. Thầy cũng rất mong có thể tổ chức thêm nhiều những chuyến thực tế như vậy để giúp sinh viên có định hướng nghề nghiệp một cách rõ ràng hơn ngay khi học tập tại trường. Nếu có thể hợp tác và có cơ hội thực tập tại Cục, thầy sẽ tổ chức tuyển chọn, đào tạo sinh viên Khoa trước khi tham gia thực tập.
 
Cục 9
TS. Nguyễn Duy Đạt – trưởng khoa Kinh tế và KDQT – trường ĐH Thương Mại

Tại Hội thảo, Bà Trần Hoàng Mai - chuyên viên Phòng Điều tra chống bán phá giá và trợ cấp đã nhiệt tình chia sẻ với sinh viên một cách chi tiết về biện pháp chống bán phá giá (BPG). Trong bài trình bày, bà Hoàng Mai đã cung cấp những số liệu thực tế về BPG và chống BPG ở Việt Nam, đồng thời phân tích các tình huống cụ thể trong một số vụ điều tra BPG mà Việt Nam khởi xướng các năm gần đây để các bạn SV có được những kiến thức thực tế về các vụ điều tra bán phá giá như: một vụ điều tra PBG được khởi xướng như thế nào, các phương thức điều tra cũng như cách chứng minh các điều kiện để áp dụng các biện pháp chống bán phá giá nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước. 

Cục 6
Bà Trần Hoàng Mai - chuyên viên Phòng Điều tra chống bán phá giá và trợ cấp

Trong phần chia sẻ của mình, Ông Nguyễn Thanh Cương - chuyên viên Phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ đã cung cấp rất nhiều những kiến thức thực tế cho SV về các vụ điều tra thiệt hại và tự vệ. Theo chia sẻ của ông, ở Việt Nam đã áp dụng 1 lần biện pháp hạn chế thuế quan, 4 lần đối với biện pháp thuế và từ năm 2019 đến năm 2021, Việt Nam đã điều tra tổng cộng 6 vụ việc tự vệ với các sản phẩm như dầu thực vật, bột ngọt, phôi thép, thép dài... 

Cục 4
Ông Nguyễn Thanh Cương - chuyên viên Phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ

Ông Nguyễn Thanh Cương đã phân tích một vụ điều tra tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài vào năm 2014-2015 do Việt Nam khởi xướng, từ nguyên nhân cho đến quy trình điều tra, chứng minh các điều kiện để áp dụng thuế tự vệ. Bài chia sẻ giúp sinh viên nhận biết được hiệu quả mạnh mẽ từ khi biện pháp tự vệ bắt đầu được áp dụng đối với sản phẩm thép nhập khẩu từ năm 2017, thể hiện qua lượng nhập khẩu sản phẩm thép từ Trung Quốc vào Việt Nam sụt giảm đáng kể.  

Bên cạnh các biện pháp PVTM do Việt Nam khởi xướng, một khía cạnh quan trọng trong công tác PVTM cũng được các bạn SV rất quan tâm là quá trình kháng kiện của Việt Nam. Các kiến thức thực tế về kháng kiện được cung cấp qua bài trình bày của Ông Nguyễn Đức Dũng - chuyên viên Phòng xử lý PVTM nước ngoài. Trong phần trình bày của mình, Ông Đức Dũng đã đưa ra những khó khăn, cũng như các biện pháp đối phó với các vụ điều tra PVTM do nước ngoài khởi xướng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ông đưa ra những lời khuyên bổ ích tới doanh nghiệp khi gặp phải các “vụ kiện” cũng như cung cấp những khuyến nghị với các bạn SV khi tìm hiểu về cơ hội nghề nghiệp trong công tác PVTM.

Cục 7
Ông Nguyễn Đức Dũng - chuyên viên Phòng xử lý PVTM nước ngoài

Có thể nói, công cụ PVTM ra đời nhằm mục đích giảm thiểu tác động không tốt của hàng nhập khẩu lên hàng hóa nội địa. Trong giai đoạn 2015 - 2019, có 19 nhóm ngành hàng đã bị điều tra các biện pháp PVTM trên toàn cầu, nhóm hàng chủ yếu bị điều tra là nhóm hàng kim loại cơ bản. Đối với Việt Nam, tính đến ngày 21/4/2021, có tổng cộng 203 vụ việc PVTM bị điều tra. Trong 5 năm gần nhất, Việt Nam đã bị điều tra 104 vụ việc, các sản phẩm thường xuyên bị điều tra PVTM là thép, thủy sản, gỗ, dệt may, cao su, nhựa,... Năm 2020 là năm mà VN bị điều tra nhiều nhất tính từ trước đến nay với tổng cộng 39 vụ việc.

Theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam chấp nhận được coi là nền kinh tế phi thị trường trong vòng 12 năm và đã kết thúc vào 31/12/2018. Tuy nhiên nhiều nước như Mỹ, Úc, Canada,... vẫn xem VN là nền kinh tế phi thị trường nên trong quá trình điều tra họ không tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dữ liệu của mình mà dùng dữ liệu của các nước thay thế. 

Kết thúc nội dung chính của buổi hội thảo là phần trả lời câu hỏi của Ông Phùng Gia Đức - Phó trưởng phòng xử lý PVTM nước ngoài. Theo ông, các quy định về PVTM của Việt Nam về cơ bản, dựa theo quy định của WTO, nhưng mỗi nước sẽ có một số thay đổi để phù hợp hơn với quy định về PVTM của các nước nhằm giúp cho quá trình thực hiện dễ dàng hơn. Lí do mà số “vụ kiện” chống bán phá giá chiếm nhiều nhất vì đây là biện pháp điều tra đơn giải mà hiệu quả nhất do việc áp dụng có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm… Ngoài ra, sinh viên còn được lắng nghe những chia sẻ rất thật từ diễn giả về những ấn tượng và khó khăn trong quá trình điều tra thực tế các vụ việc.

Cục 8
Ông Phùng Gia Đức - Phó trưởng phòng xử lý PVTM nước ngoài

Phát biểu Bế mạc Hội thảo, Ông Gia Đức khẳng định, cơ hội làm việc trong Cục PVTM rất đa dạng và khi Việt Nam vẫn tham gia vào quá trình hội nhập, vào hoạt động thương mại quốc tế thì PVTM là xu thế không thể tránh khỏi, do đó, nhu cầu về nguồn nhân lực trẻ, năng động, có trình độ là rất lớn. Cục PVTM cũng sẵn sàng chia sẻ những tài liệu kiến thức thực tiễn để tạo điều kiện cho sinh viên tạo ra những bài nghiên cứu có giá trị. Thay mặt Cục PVTM, ông Gia Đức thể hiện mong muốn hợp tác sâu rộng với Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế trong việc hỗ trợ sinh viên học tập và thực tập.

Cục 10

Cục 11

Cục 1
Một số hình ảnh buổi thực tế tại Cục PVTM Bộ Công Thương

Buổi tham quan thực tế diễn ra thành công tốt đẹp là kết quả cho sự chuẩn bị của thầy và trò Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế cùng với Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương.

Thay mặt Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, một lần nữa, xin chân thành cảm ơn Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương vì sự đón tiếp chu đáo, nhiệt tình. Rất cảm ơn các chuyên gia vì những chia sẻ thực tế hấp dẫn với các số liệu cập nhật.
 
Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế