Tin tức

KHOA KT&KDQT - TÍCH CỰC HƯỞNG ỨNG XU THẾ DẠY VÀ HỌC TRONG THỜI KỲ 4.0

14/06/2023
? Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số là xu hướng phát triển của toàn xã hội nói chung và lĩnh vực giáo dục đào tạo nói riêng. Việc áp dụng khoa học và công nghệ đã và đang tạo ra bước ngoặt phát triển cho giáo dục đào tạo bậc đại học, mở ra nhiều hình thức đào tạo mới hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí cho người học.
Nắm bắt xu hướng này, Trường Đại học Thương mại đã và đang ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong giảng dạy và quản lý sinh viên như: Triển khai hệ thống phần mềm TranS phục vụ giảng dạy trực tuyến; Số hóa dữ liệu sinh viên, thực hiện quản lý sinh viên trực tuyến; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thư viện thông minh; Từng bước số hóa các tài liệu phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu của cả giảng viên và sinh viên; Xúc tiến dây dựng và hoàn thiện các phòng thực hành và các phần mềm mô phỏng trong giảng dạy.
Hiện tại, Trường Đai học Thương mại đang tiếp tục xây dựng học liệu số để triển khai mở các ngành đào tạo từ xa bắt đầu từ năm học 2023 - 2024. Những bước đầu tiên thực hiện không thể tránh khỏi khó khăn, thách thức cho cả Nhà trường và các khoa chuyên ngành.
? Đứng trước thực trạng đó, trong năm học 2022 – 2023, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế đã tổ chức nhiều sự kiện với mục đích chia sẻ, trao đổi thông tin và kinh nghiệm nhằm bắt kịp xu hưởng dạy và học trong bối cảnh 4.0. Một số sự kiện nổi bật có thể kể đến như:
- Tọa đàm “Ứng dụng phần mềm mô phỏng trong đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng” ngày 10/12/2022, với mong muốn được chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm triển khai ứng dụng các mô hình mô phỏng trong giảng dạy tại các cơ sở đào tạo hàng đầu trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
- Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng học liệu số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học trong bối cảnh chuyển đổi số” ngày 21/3/2023. Tọa đàm do Công đoàn khoa KT&KDQT tổ chức, góp phần tháo gỡ “nút thắt” trong quá trình xây dựng học liệu số của 03 chương trình đào tạo do Khoa phụ trách.